♦ Bài viết trước: Chánh kiến là gì? Bước đầu tiên trong tu tập Bát chánh đạo

Hôm nay chúng ta tiếp tục tìm hiểu và phân tích sâu hơn về Chánh tư duy – bước thứ hai trong lộ trình tu tập Bát Chánh đạo của Phật.

Vậy, Chánh tư duy là gì? Hãy cùng PhatTuTaiGia.com tìm hiểu ngay dưới đây nhé!

Giáo Trình Thiền Học

Hướng dẫn Thiền định (căn bản) dành cho người mới


Xem ngay!

Nội dung chính
  • Tư duy là gì?
  • Chánh tư duy là gì?
  • Áp dụng Chánh tư duy trong sự tu tập
  • Lời kết
  • Tư duy là gì?

    chanh-tu-duy-la-gi (2)
    Chánh tư duy (ảnh minh họa)

    Đầu tiên chúng ta hiểu “Tư duy” chính là suy nghĩ. Và nếu chẻ nhỏ ra thì khái niệm “Tư duy” chính là:

    1. Ôn lại những điều mình đã biết: Chính là việc ta ôn lại, nhớ lại, suy tưởng lại những giáo lý chân chính của Phật mà ta đã học để áp dụng vào trong sự tu tập, trong đời sống. Ví dụ như ôn lại về Luật nhân quả, vấn đề tội phước trong đời mà ta đã học được…

    2. Đối chiếu điều học được với cuộc sống thực tế: Đối chiếu đạo lý mình học được với cuộc sống thực tế xem đã đúng và phù hợp chưa. Ví dụ như đạo lý  về quán từ bi (suy nghĩ rằng mình thương yêu chúng sinh, thương yêu con người) thì hãy xem xét bản thân mình đã có lòng thương yêu mọi người chưa?; hay đạo lý về quán thân vô thường (nghĩ rằng thân này rồi sẽ thay đổi, ngày nào đó sẽ trở về với cát bụi) thì hãy xét xem bản thân mình còn tham đắm, bám chấp, chiều chuộng cái thân này hay không?…

    3. Phản biện những đạo lý mình học được: Để thử thách đạo lý đó có chân chính, có đúng đắn và hợp lý hay không, bởi không phải bất cứ cái gì học được ta cũng tin liền. Ngay cả những giáo lý từ kinh điển hay bất cứ đâu cũng cần phải được phản biện để kiểm tra về sự đúng đắn.

    Ví dụ một người nghe một vị thầy dạy kinh bát nhã quán về tánh “không”. Nếu người đó chỉ tin rằng quán mọi thứ là “Không” (không thương yêu, không quan tâm…) thì rất dễ rơi vào sự lãnh đạm, vô cảm, mất hết phước. Người có chánh tư duy sẽ biết phản biện lại và tìm ra được kẽ hở đó, người đó sẽ tự mình tìm tòi hoặc tầm sư học đạo để nghe giảng kỹ hơn về tánh không, nhằm xóa đi những sự bất hợp lý mà do tư duy phản biện đã tìm ra để tìm ra được chân lý về tánh không theo đúng ý Phật nhất.

    4. Phát nguyện: Là một sự quyết tâm trong tư tưởng để thực hành đạo lý đó mãi mãi. Ví dụ phát nguyện: Vô lượng chúng sinh thệ nguyện độ; Tôn kính Phật tuyệt đối; Thương yêu chúng sinh vô hạn; Giữ tâm khiêm hạ tận cùng… từ những lời phát nguyện cao đẹp như vậy, dần dần tâm hồn ta sẽ thay đổi, nghiệp của ta cũng thay đổi trong cả nhiều đời nhiều kiếp về sau.

    ♦ Xem thêm: Đạo đế là gì? Chân lý về con đường đưa đến sự giải thoát giác ngộ

    thien-dinh-la-gi (3)
    Phát nguyện cũng chính là tư duy (ảnh minh họa)

    Chính những chánh tư duy như vậy sẽ giúp ta thay đổi, gạn lọc hết tâm hồn mình lại, nó định hướng cuộc đời của mình không chỉ trong kiếp này mà còn là vô lượng kiếp về sau.

    Đây à 4 tư duy căn bản mà người đệ tử Phật phải nhớ và thực hành trong đời sống và sự tu tập của mình theo con đường Bát chánh đạo.

    5. Sáng tạo: Một cấp độ cao hơn trong Chánh tư duy đó là sáng tạo, như ta có những phát minh, sáng chế giúp cho con người bớt đau khổ, giúp sự tu hành của mình và người khác được tiện lợi va hiệu quả hơn. Ví dụ có những bài kinh, bài giảng, lời dạy được in trong sách và cất giữ trong chùa khó có thể tiếp cận đến nhiều chúng sinh, thì bây giờ có người có ý tưởng sáng tạo mang những bài kinh, bài giảng, lời dạy đó đăng tải trên các phương tiện internet hoặc tạo thành một ứng dụng trên điện thoại để giúp nhiều người có thể tiếp cận và nghiên cứu…

    6. Suy luận diễn dịch: Ta nghe một đạo lý, ta suy ra thêm 2, 3 đạo lý kế tiếp. Ví dụ trong luật nhân quả ta nghe câu “gieo nhân nào, gặt quả đó” thì ta có thể suy luận diễn dịch rằng: “mình đem hạnh phúc đến cho người, mình sẽ nhận lại hạnh phúc”; “mình giúp người thì mình sẽ được giúp lại”…

    7. Tập hợp (Quy nạp): Quan sát nhiều đạo lý, hiện tượng trùng hợp, giống nhau và rút ra được một quy luật. Ví dụ người xưa quan sát những ai mà có đôi mắt không đều nhau thì người đó dễ là người phản bội (còn gọi là: Lưỡng nhãn bất đồng, tâm trung bất chánh).

    8. Hoài nghi và chấp nhận: Khi nghe một vấn đề ta phải biết đặt vấn đề và hoài nghi vấn đề đó liệu có đúng hay không, có thực tế hay không? Sau khi hoài nghi ta đi tìm những kiến giải (những lời giải đáp hợp lý) mà ta thấy những vấn đề, đạo lý đó không có chỗ hở ta mới chấp nhận vấn đề đó, đạo lý đó.

    Xem thêm: Tứ diệu đế là gì? 04 sự thật màu nhiệm dành cho người học Phật

    Chánh tư duy là gì?

    Ở trên ta nói về tư duy bao gồm có 8 khía cạnh, bây giờ ta sẽ bàn luận về “Chánh tư duy”.

    thien-dinh-la-gi (2)
    Thế nào là chánh tư duy (ảnh minh họa)

    Chánh tư duy nghĩa là:

    – Thứ nhất: Ta tư duy về đạo lý được đọc trong kinh, được nghe quý thầy dạy, giờ mình suy nghĩ lại, nhớ lại giáo lý đó.

    – Thứ hai: Ta suy nghĩ về điều thiện, trong cư xử giữa người với người, giữa người và vật, giữa người và môi trường sống. Điều thiện thì tầm vóc nhỏ hơn những giáo lý, đạo lý, nhưng nó cụ thể và thực tế hơn.

    Ví dụ tư duy về sự cư xử của mình với những người xung quanh đã đúng và chừng mực hay chưa; tư duy về bổn phận trách nhiệm trong công việc đã làm chu toàn hay chưa…

    Tuy nhiên, việc tư duy phải kết hợp với tâm thanh tịnh. Sự tư duy để tìm ra những điều đúng đắn và loại bỏ những điều sai trái là hoàn toàn cần thiết trong quá trình tu tập, nhưng ta cũng tránh một điều cực đoan là có những người quá thích tư duy sẽ khiến tâm loạn động, không thể vào định. 

    Đó là khi gặp chuyện, cần động tâm suy nghĩ thì ta cần phải suy nghĩ cho đúng với giáo lý, suy nghĩ sao cho có lợi cho người, cho đạo pháp, còn khi không gặp chuyện thì phải giữ tâm thanh tịnh. Bởi sự suy nghĩ vì người khác sẽ giúp tâm vào an định dễ dàng hơn.

    Hãy nhớ rằng: Mục đích cuối cùng của chánh tư duy là là khiến tâm thanh tịnh, vào định chứ không phải là cứ suy nghĩ hoài.

    – Thứ ba: Thanh lọc tâm khỏi những suy nghĩ bất thiện. Mặc dù ta có suy nghĩ về những điều thiện, điều đạo lý, nhưng những ý nghĩ xấu vẫn còn chen vô chứ không phải hết. Ví dụ ta có suy nghĩ về Phật, về từ bi, nhân quả, trong ngày đó ta vẫn còn những suy nghĩ tham lam, giận hờn, ích kỷ, hẹp hòi, ghen tị… khởi lên trong tâm.

    Thanh lọc tâm khỏi những suy nghĩ bất thiện là ta phải phát hiện được khi nào những suy nghĩ này khởi lên, và khi phát hiện được ngay lập tức dập tắt nó. Việc thanh lọc những tư tưởng sai, tư tưởng xấu ngày qua ngày sẽ giúp tâm chỉ còn lại những suy nghĩ thuần thiện vị tha.

    Trong nhà thiền có câu: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” đã khiến cho rất nhiều người hiểu lầm là không suy nghĩ gì cả, coi điều thiện bằng với điều ác nên đều không suy nghĩ, nhưng ta phải hiểu ẩn ý thật sự của câu nói này như sau:

    + Không nghĩ thiện: bởi thiện là một điều đương nhiên một người tu hành phải có và điều thiện phải phù trùm ở trong tâm hay còn gọi là thuần thiện.

    + Không nghĩ ác: bởi trong tâm người tu hành chân chánh không chấp nhận điều ác dù là nhỏ nhất.

    Hay trong kinh Pháp cú Phật có dạy:

    Không làm các việc ác

    Chỉ làm những điều lành

    Giữ tâm ý thanh tịnh

    Đó là lời Phật dạy

    Và tu Chánh tư duy là  ta phải thanh lọc những điều bất thiện, khiến cho suy nghĩ trở nên thuần thiện, vị tha là vậy.

    Xem thêm: Cầu siêu là gì? Những trường hợp nào cần được cầu siêu?

    Áp dụng Chánh tư duy trong sự tu tập

    Sử dụng tư duy để thành lập đạo đức, bởi tâm chúng ta ban đầu được xem như chưa có đạo đức và chúng ta chỉ sống theo cảm tính, như: đói thì muốn ăn, khát thì muốn uống, ai chọc thì mình giận, ai khen thì mình thích, ai giành giật của mình thì mình hận, ai hơn thì mình ganh tỵ… đó là những phản ứng rất tầm thường của chúng sinh.

    thien-la-gi (6)
    Áp dụng chánh tư duy trong sự tu tập (ảnh minh họa)

    Nhưng khi hiểu đạo, tu tập Chánh tư duy ta không được đi theo những cảm tính tầm thường đó nữa, không được có những phản ứng phàm phu như thế nữa.

    Nếu như ta suy nghĩ, mà suy nghĩ đó đưa tâm hồn ta đến đức hạnh, an vui, tự tại thì suy nghĩ đó là đúng. Còn khi chúng ta suy nghĩ làm cho tâm ta trở nên phiền muộn, thì suy nghĩ đó là sai.

    Ví dụ: Khi có người giận mình, ghét mình hay nói xấu mình thì mình phải suy nghĩ cách nào đó để đừng buồn giận về chuyện đó là cách suy nghĩ đúng. Mà suy nghĩ làm sao để mình không buồn giận về điều đó thì chính là chánh tư duy mà ra (tùy từng trường hợp).

    Nên ta cần phải lấy cái đạo đức và cái tự tại để đánh giá tư duy của mình có đúng hay không.

    Thế nào là dùng suy nghĩ để dựng lên đạo đức?

    – Thứ nhất: Ta tâm niệm về lòng tôn kính Phật, đó là đạo đức căn bản, để tôn kính Phật đến mức trở thành đạo đức thì mỗi khi thắp nhang nơi bàn Phật hay quỳ lễ trước Phật ta nghĩ đến lòng từ bi vô tận của Phật, sự giác ngộ tuyệt đối của đức Phật, công đức vô lượng của Phật và ta nguyện đem cả cuộc đời và thân tâm mình đi theo Phật… ta phải suy nghĩ nhiều ngày, nhiều tháng như vậy thì tâm mình mới thành lập được đạo đức ban đầu là Lòng tôn kính Phật.

    – Thứ hai: Quán từ bi thương yêu chúng sinh, tức mình tưởng tượng, suy nghĩ, tâm niệm, phát nguyện thương yêu tất cả chúng sinh, thực hiện mỗi ngày, dần dần mới trở thành đạo đức về lòng tư bi trong tâm.

    Ví dụ lúc vắng người không có ai, mình khởi một ý nguyện từ bi thương yêu tất cả chúng sinh, rồi khi gặp con người thực tế, mình cũng khởi ý nguyện thương yêu những con người này (dù là người quen hay người lạ). 

    chanh-niem-la-gi (2)

    – Thứ ba: Suy nghĩ về tâm khiêm hạ, thì mình khởi suy nghĩ tôn trọng mọi người, thấy cái hay của mọi người, thấy mọi người đều hơn mình. Còn phần mình lúc nào cũng xem mình là nhỏ bé, lúc nào cũng tìm ra lỗi của mình để thấy mình còn thấp kém.

    Ví dụ khi có tâm ý tự cao khởi lên như thấy mình hơn người, thì ngay lúc đó ta phải khởi lên một suy nghĩ về tâm khiêm hạ để ràng lại liền, như suy nghĩ là cát bụi, cỏ rác 

    – Thứ tư: Rèn luyện hạnh nhẫn nhục. Mình biết trong cuộc đời sẽ gặp nhiều nghịch cảnh, gặp nhiều người không ưa, muốn chống đối, thì ta phải suy nghĩ trước những điều đó, và suy nghĩ phát nguyện rằng: Đối với người chống đối, mưu hại con, con xin được thương yêu họ tất cả.

    Hoặc ta suy nghĩ về sự tha thứ, tha thứ cho những lỗi lầm của người khác, mặc dù ta vẫn có thể phải xử lý, phải phạt họ để có cái nghiêm để họ không tái phạm nữa, nhưng với suy nghĩ là để dạy dỗ, cải tạo họ chứ không phải thù oán họ.

    Một người tu Phật chân chánh thường có 2 thái độ hay 2 tính cách, đó là: vui vẻ và trầm lặng. Hai tính cách này được tạo nên bởi chánh tư duy, tức là suy nghĩ đúng, đây là kết quả thể hiện việc dọn dẹp nội tâm rất tốt. Còn nếu thấy một người ta thấy thiếu một trong hai tính cách này hoặc vắng mặt cả hai thì ta biết người này chưa có chánh tư duy.

    Rồi đối với một chuyện không hay xảy ra, ta phải xét lỗi nơi mình trước, hay như ông cha ta có câu “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Không đổi lỗi cho hoàn cảnh hay người khác.

    Rồi trong đạo Phật ta cũng có những phép quán vô thường, quán vô ngã cũng là chánh tư duy.

    Như quán vô ngã: thì luôn tâm niệm suy nghĩ rằng mình không thật có cái ta, cái thân này không thật là của mình, cái tâm này cũng không thật là của mình. Phải suy nghĩ về điều đó cho thật nhiều, thật sâu sắc bởi đây là chân lý đưa ta đến sự giải thoát.

    Hay quán vô thường, ta suy nghĩ rằng trên cuộc đời này không có cái gì tồn tại mãi mãi, mọi việc mọi vật dần dần đều thay đổi, nghĩ được như vậy thì dù chuyện gì xảy ra ta cũng đều bình thản vì biết cuộc đời luôn thay đổi theo một lẽ thường tình,

    Hay một điều quan trọng nữa trong chánh tư duy là dùng tư duy để diệt vọng tâm. Ví dụ trong tu tập Thiền định, thì một trở ngại lớn nhất đối với người tu thiền là vọng tưởng, nghĩa là tâm theo thói quen cứ khởi lên hết suy nghĩ này đến suy nghĩ kia không dứt, thì trước khi ta tu tập đến mức có bản lĩnh để diệt được vọng tưởng thì trước mắt ta phải dùng tư duy để diệt vọng tưởng.

    Ví dụ khi đang ngồi thiền, vọng tưởng nổi lên cuồn cuộn, thì lúc này ta khởi lên một ý nghĩ đó là “không suy nghĩ nữa, không suy nghĩ nữa” như một mệnh lệnh thì ngay lập tức vọng tưởng sẽ tạm dừng lại.

    Tham gia nhóm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về Phật học và Thiền định

    (được thực hiện bởi phattutaigia.com)


    Thiền Đạo Phật (Zalo)

    Lời kết

    Chánh tư duy chính là những suy nghĩ đúng, nhưng không chỉ là những suy nghĩ đúng thông thường mà là sự xét nét trong từng suy nghĩ, ý niệm để làm cho những điều thiện, điều đúng đắn ngày càng sáng tỏ và mạnh lên. Đồng thời loại bỏ đi những ý nghĩ bất thiện, không đúng đắn trong quá trình tu tập.

    Để hiểu sâu sắc hơn về Chánh tư duy là gì. Mời quý vị đạo hữu lắng nghe bài giảng của TT.TS Thích Chân Quang (Trụ trì chùa Phật Quang) qua video dưới đây:

    (Bấm ▶️ để xem)

    Bạn có thể để lại ý kiến của mình ở phần bình luận phía dưới để mọi người cùng chia sẻ và góp ý giúp đỡ nhau tu tập tiến bộ hơn.

    ♦ Bài viết tiếp: Chánh ngữ là gì? Bước thứ ba trong tu tập Bát chánh đạo

    4.9/5
    4.7/5

    2 bình luận

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *