♦ Bài viết trước: Chánh ngữ là gì? Bước thứ ba trong tu tập Bát chánh đạo

Bài hôm nay chúng ta tiếp tục tìm hiểu về chánh nghiệp – bước thứ tư, cũng là bước nền tảng quan trọng nhất trong tu tập Bát chánh đạo.

Vậy, Chánh nghiệp là gì? Hãy cùng PhatTuTaiGia.com tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Phật Học Nhập Môn

Lộ trình tu tập (căn bản) dành cho người bắt đầu học Phật


Xem ngay!

Nội dung chính
  • Nghiệp là gì?
  • Chánh nghiệp là gì?
  • Mục đích của Chánh nghiệp
  • Chánh nghiệp gồm những gì?
  • Lời kết
  • Nghiệp là gì?

    thien-dinh-la-gi (3)
    Nghiệp là gì? (ảnh minh họa)

    Có ba cái nghiệp chính mà trong kinh Phật thường hay nhắc đến và phân biệt là:

    Nghiệp của ý nghĩ (ý nghiệp)

    Nghiệp của lời nói (khẩu nghiệp)

    Nghiệp của thân thể (thân nghiệp)

    Thì như ở những Chánh đạo trước ta đã học là Chánh tư duy (chính là nghiệp của tâm) và Chánh ngữ (chính là nghiệp của lời nói).

    Tuy nhiên, ý nghĩa của từ “Nghiệp” thì lại bao trùm cả ba nghiệp của cả thân, khẩu, ý. Nên nói đến Chánh nghiệp nghĩa là đã bao trùm hết tất cả hành vi của chúng ta và gây nên nhân quả nghiệp báo về sau.

    Thường thì để có một cái nghiệp của hành động (thân nghiệp) thì ban đầu cũng đều xuất phát từ một ý nghĩ nào đó (ý nghiệp), và cũng phụ theo để làm ra hành động đó thì ta cũng phải có lời nói kèm theo (khẩu nghiệp).

    Ví dụ: Một hành động giúp đỡ một ai đó, thì lúc đầu trong tâm ta cũng phải có một ý nghĩ thương người đó, rồi đến giúp họ thì ta cũng phải nói về việc mình có ý muốn giúp họ, để họ đồng ý, cuối cùng ta mới tạo ra một hành động (thân nghiệp) giúp đỡ họ (như cho tiền, hay giúp họ xử lý một việc nào đó…)

    Chánh nghiệp là gì?

    bat-chanh-dao-la-gi (7)
    Chánh nghiệp là gì

    Chữ “Chánh” trong Chánh nghiệp là để phân biệt với chữ “” trong Tà nghiệp (hay ác nghiệp) là những nghiệp đưa chúng sinh đi về ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh).

    Còn những Chánh nghiệp (hay thiện nghiệp) là những nghiệp đưa chúng sinh đi về những cõi lành (như cõi trời) hay đi về những Thánh quả giải thoát.

    Còn những cõi người hay cõi thần (a tu la) là những cõi không thuần thiện, không thuần ác (nghĩa là nằm ở giữa thiện và ác).

    Bát chánh đạo là con đường có 8 điều chánh đưa chúng sinh về Thánh quả giải thoát. Và Chánh nghiệp là một trong những bước rất quan trọng để đi về giải thoát.

    Ở đây ta cần phân biệt thêm giữa Chánh nghiệpVô nghiệp (không tạo nghiệp) ở chỗ:

    Chánh nghiệp thì đưa đến sự giải thoát

    Vô nghiệp thì không đưa đến giải thoát

    Có một số người tu theo đạo Phật đã hiểu lầm rằng Vô nghiệp (tức không tạo nghiệp) mới đưa đến giải thoát.

    Vô nghiệp nghĩa là không làm gì hết, và không làm gì hết thì sẽ chẳng có công lao, phước đức gì sẽ không thể tạo ra nền tảng để đưa tâm vào định, cho nên không thể đi đến giải thoát. Mà muốn giải thoát được thì phải làm cho đúng (Chánh nghiệp).

    Vì hiểu lầm con đường Chánh nghiệp của Phật nên một số người cho rằng tu là phải trốn đời, tránh duyên, nhập thất, bỏ hết công việc, yên tu… thì mới giải thoát. Đó là một tà kiến trầm trọng, sai lầm.

    Một số người rơi vào vô nghiệp vì do quá chấp vào một pháp tu nào đó, như:

    Nam tông nguyên thủy thì có một số người quá chấp vào Chánh tinh tấn (trong Bát chánh đạo), nghĩa là chỉ lo nhiếp tâm vào định, mà không lo làm phước, mà không hiểu rằng chính phước mới là cái mấu chốt để đưa tâm dễ dàng vào định.

    Còn có một số người tu theo đại thừa thì quá chấp vào tánh “Không”, nên cái gì cũng cho là không. 

    Mục đích của Chánh nghiệp

    Chánh nghiệp là một bước trong Bát chánh đạo để đưa đến giải thoát, mục đích của chánh nghiệptạo công đức cho mục tiêu giải thoát. Bởi không có công đức thì không có được giải thoát.

    dao-de (2)
    Mục đích của chánh nghiệp (ảnh minh họa)

    Một số người cho rằng muốn tâm được thanh tịnh, thì phải giữ cho mình không bận tâm chuyện đời, không cần suy nghĩ thiện ác gì cả. Nghe có vẻ dễ hiểu dễ thấy, nhưng đó lại là một suy luận hẹp hòi, thiển cận, cạn cợt và sai lầm.

    Bởi đạo lý là một con đường vòng, cái gì dễ hiểu, dễ thấy coi chừng hiểu lầm.

    Ví dụ ta thấy một người bỗng nhiên giàu lên, thông thường nhiều người sẽ hiểu một cách đơn giản rằng người này giàu lên là do họ chịu khó làm ăn. Nhưng thực sự để giàu lên như vậy thì còn rất nhiều yếu tố khác như tài tăng, sự tinh tế, lòng nhân hậu, uy tín với đối tác, khách hàng và cả phước đời trước đem đến cái may mắn… chứ không đơn giản chỉ là do chịu khó làm ăn.

    Cho nên cái mà ta chỉ nhìn thấy, nghe thấy rồi vội vàng kết luận thì thường dẫn đến kết luận sai.

    Một yếu tố bí mật giúp đưa tâm đi đến thanh tịnh chính là do công đức, mà công đức có được do những thiện nghiệp (chánh nghiệp) mà ra.

    Biết được như vậy thì thay vì không làm gì hết, thì ta siêng năng làm điều thiện mỗi ngày dù có vất vả, dù có bận tâm lo cho người khác, nhưng kết quả cuối cùng cho ta thì lại rất tốt đẹp, tâm dễ vào định.

    Chánh nghiệp → tạo ra công đức → đưa tâm vào an định → đưa đến mục tiêu giải thoát.

    Khi hiểu được điều này, thì từ nay tất cả những người tu theo đạo Phật chúng ta phải hết sức siêng năng, hết sức tinh tấn tạo những công đức để nhắm được đến mục tiêu giải thoát.

    Nói về Chánh nghiệp, nghĩa là ta nói về công đức, và phải hiểu công đức là sức mạnh, là năng lượng đưa chúng ta đi trên con đường giải thoát.

    Công đức đưa ta vượt qua bao khó khăn, trở ngại trên con đường tu tập, khiến tâm nhiếp vào được trong định và vượt qua được ngã chấp, lầm lỗi. Cuối cùng là tiến đến mục tiêu vô ngã giải thoát.

    Công đức có 03 công năng, đó là:

    Giúp ta vượt qua nghịch cảnh: khó khăn, thiếu thốn về vật chất, trở ngại…

    Là động cơ bí mật giúp tâm dễ dàng vào an định.

    Giúp ta nhận ra và vượt qua được những sai lầm, tà kiến.

    tu-dieu-de-la-gi (4)

    Nhưng cũng cần phải lưu ý rằng, công đức thường đưa đến quả báo sung sướng ở cõi người và cõi trời, là công đức mà ta có thể thọ hưởng (và nếu ta thọ hưởng thì sẽ hết công đức) mà không phải là công đức đưa đến giải thoát.

    Đó cũng là một trở ngại, một phản ứng phụ khi ta tu Chánh nghiệp trên con đường hướng đến mục tiêu giải thoát. Trừ những người hiểu đạo, biết mình có phước, có công đức, nhưng biế chủ chính mình, quyết tâm khước từ quả báo sung sướng mà dồn hết công đức đó vào trong nội tâm để tu tập thiền định thì sẽ mau chóng đến gần hơn với giải thoát.

    Bởi nếu ta thọ hưởng sự sung sướng của quả báo thì ta mới chỉ sử dụng đến 1 công năng của công đức đó là giúp ta vượt qua nghịch cảnh, còn 2 công năng còn lại là nhiếp tâm vào địnhbiết lầm lỗi lại bị khuyết thiếu. Như vậy sẽ không thể đi đến sự giải thoát.

    Ta phải cẩn trọng và hiểu thêm một điều là nếu ta thiếu đi lý tưởng giải thoát, thì khi quả báo hiện ra, ta sẽ chìm đắm hưởng thụ và ta không còn công đức để đi đến giải thoát nữa.

    Khi mà ta tu tập Chánh nghiệp, nghĩa là ta làm vô số điều lành thì ta nên mỗi ngày phát đại nguyện trước bàn thờ Phật như sau:

    Đời đời, kiếp kiếp xin chư Phật gia hộ, giữ gìn cho con, để con luôn thắp sáng được mục tiêu giải thoát được trong lòng mình, dù kiếp này và vô số kiếp tới, dù con sinh ra trong hoàn cảnh cực khổ hay sung sướng, xin cho con không bao giờ quên được chí nguyện tu hành giải thoát

    Thì khi phát nguyện như vậy, thì bỗng dưng một ngày quả báo sung sướng hiện ra, thì nhờ lời đại nguyện đó sẽ tạo thành sức mạnh (giữ lý tưởng giải thoát trong tâm mình chặt chẽ) để khước từ hoàn cảnh sung sướng đó để dồn công đức tu hành.

    Do đó, cũng có một điều cực đoan khi làm phước đó là quá lo làm phước, mà quên đi lý tưởng, mục tiêu tu hành là để hướng tới giải thoát, thì sau này quả báo hiện ra khiến ta quá sung sướng rồi sẽ dễ đi lạc mất đường đi, mặc dù ta có mến đạo.

    Ngoài ra, khi tu Chánh nghiệp, ta cũng phải chuẩn bị cái bản lĩnh tu hành để biết khước từ quả báo hữu lậu, nghĩa là ngay trong khi ta tu tập Chánh nghiệp thì ta cũng phải biết tu tập Thiền định, giữ gìn giới hạnh, phát nguyện, tập sống đời đơn giản, để khi mà phước đến thì tự nhiên ta có sự thanh tịnh trong nội tâm và đủ sức mạnh để từ khước được những cái sung sướng quá sức, để tránh được sự hưởng thụ và từ quả báo đó ta chia bớt cho người khác để tạo thêm công đức mới.

    Chánh nghiệp gồm những gì?

    Bây giờ chúng ta sẽ cùng phân tích xem Chánh nghiệp gồm những điều gì?..

    ♦ Thứ nhất: Giới là Chánh nghiệp, giới là những việc ta không được làm, bởi nếu làm thì sẽ mang tội.

    bo-tat-hanh (1)
    Giới cũng là Chánh nghiệp

    Giới là do Phật đã dùng trí tuệ để thiết lập ra, nhằm răn người đệ tử những điều không được làm để không phải chịu những quả báo xấu ác (ác nghiệp). Tu theo hạnh giữ giới cũng được gọi là Chánh hạnh hay Chánh nghiệp.

    Có 05 giới căn bản (ngũ giới) mà người Phật Tử Tại Gia cần giữ, gồm:

    1. Không sát sanh

    2. Không trộm cắp

    3. Không tà dâm

    4. Không nói dối (nói rộng là là không phạm khẩu nghiệp, tà ngữ)

    5. Không uống rượu (nói rộng hơn là không dùng các chất gây nghiện, chất kích thích khiến tâm hồn không tỉnh táo)

    Mục đích của giới là tránh làm khổ người khác, nghĩa là nếu làm khổ người khác tức làm khiến họ bị động tâm, bất an, rồi về sau sẽ tạo thành một cái nghiệp hay quả báo là khiến tâm ta không thể an định được.

    Có câu: “Phước thì có thể đem cho, còn nợ thì phải trả”. Nghĩa là ta làm vô số thiện nghiệp, có vô số công đức thì ta có thể đem quả báo đó đem cho người khác, giúp đời, giúp người. Còn đã lỡ gây ra ác nghiệp (do không giữ giới) thì chắc chắn sẽ phải chịu quả báo khổ mà không thể chia bớt cho ai được.

    Một số việc (tuy không quy cụ thể trong giới) nhưng cũng thuộc về giới mà ta cũng cần giữ để tránh làm khổ cho người khác, đó là:

    Đừng nói chuyện ồn ào mà làm phiền người khác.

    Đừng xả rác bừa bãi ra môi trường

    Đừng làm bẩn không khí (như hút thuốc, đốt vật liệu độc hại)

    ♦ Thứ hai: Phước là Chánh nghiệp, nếu như giới là thuộc về những việc không làm, thì phước thuộc về hành động, nghĩa là phải làm mới có.

    cac-tong-phai-phat-giao (6)
    Phước là Chánh nghiệp

    Phước giúp cho người được lợi ích trong thiện pháp

    Cần phân biệt rằng:

    Có những hành động giúp người nhưng không trong thiện pháp thì không phải là phước. Ví dụ như mời người khác đi nhậu, bao cho ai đó đi đánh bài, mời ai hút thuốc lá… thì cũng là giúp người nhưng không phải trong thiện pháp.

    Hoặc cũng những việc không thiện, không ác, không ảnh hưởng đến ai, không ảnh hưởng đến đạo đức của chính mình thì không gọi là nghiệp. Ví dụ như dậy rửa mặt buổi sáng, hát một bài vui vui cho mình mình nghe… 

    Chánh nghiệp hay phước là gây được ảnh hưởng tốt cho người khác, làm cho người khác được hạnh phúc, hay tăng trưởng đạo đức.

    Chánh nghiệp sâu sắc hơn thiện nghiệp thông thường, bởi thiện nghiệp là giúp ích cho người khác trong đời, còn Chánh nghiệp thì cũng là giúp người, nhưng phải hướng người đó dần đến với giác ngộ giải thoát, đây là một điều rất sâu sắc của Chánh nghiệp so với thiện nghiệp.

    Ví dụ thấy một người đang đói ta cho họ cái bánh mỳ ăn, thì:

    Nếu là thiện nghiệp thì ta chỉ đơn thuần giúp họ qua một bữa đói

    Còn nếu là chánh nghiệp thì ngoài việc giúp họ qua được bữa đói, ta giảng giải đạo lý về nhân quả, luân hồi, tội phước… hướng người đó dần dần tới việc biết tu.

    Một số hành động khác cũng thuộc về chánh nghiệp, gồm:

    Học tập siêng năng, chăm chỉ, nghiêm túc để sau này làm điều thiện cũng là Chánh nghiệp. Đó là lý do tại sao ta thấy những đứa trẻ khi còn nhỏ chưa làm ra được đồng nào, chỉ có siêng năng học tập cũng được mọi người thương mến, được đầu tư, được chu cấp, vì điều đó đúng chánh nghiệp.

    – Rèn luyện cơ thể cũng là Chánh nghiệp. Bởi vì có sức khỏe ta mới làm được mọi điều thiện trên đời này, một người cho dù giỏi cách mấy mà nếu cứ bệnh hoạn liên miên thì cũng không làm được điều gì hết. Do đó, rèn luyện cơ thể để có sức khỏe làm điều tốt cũng là một chánh nghiệp.

    Xem thêm: Khí công Tâm pháp trong Thiền đạo Phật

    – Chu toàn bổn phận cũng là Chánh nghiệp. Ta sống trên đời này thì phải có bổn phận với gia đình, với xã hội, với đất nước, đó là điều bắt buộc. Ví dụ, một người làm cha (mẹ) thì buộc phải có bổn phận nuôi con.

    Bổn phận là sự bắt buộc, nếu không làm thì sẽ mang tội (tà nghiệp). Ví dụ một người con trong gia đình thì phải có bổn phận hiếu kính cha mẹ, hoặc một công dân đối với đất nước thì phải có bổn phận xây dựng và bảo vệ đất nước…

    Nguyên dân dẫn đến việc ta phải có bổn phận là do cái nghiệp từ quá khứ. Cái nghiệp của ta đối với luân hồi, đối với thế gian không thoát ra được, và phải trả hết nợ thì mới tu hành giải thoát được.

    Nhóm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về Phật học và Thiền định

    (được thực hiện bởi phattutaigia.com)


    Thiền Định & Phật Học

    Lời kết

    Tất cả những điều trên là ta nói đến chánh nghiệp của con người, còn những vị thiên tử trên cõi trời, hay những vị bồ tát đắc đạo thì cũng lại có những chánh nghiệp riêng. Chánh nghiệp là bao la vô tận mà chúng ta là những phàm phu thì không có đủ trí tuệ để hiểu hết được.

    Để hiểu sâu sắc hơn về Chánh nghiệp là gì. Mời quý vị đạo hữu lắng nghe bài giảng (rất hay) của TT.TS Thích Chân Quang (trụ trì chùa Phật Quang) qua video dưới đây:

    (Bấm ▶️ để xem)

    Bạn có thể để lại ý kiến của mình ở phần bình luận phía dưới để mọi người cùng chia sẻ và góp ý giúp đỡ nhau tu tập tiến bộ hơn.

    ♦ Bài viết tiếp: Chánh mạng là gì? Bước thứ năm trong tu tập Bát chánh đạo

    4.9/5
    4.7/5

    2 bình luận

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *