♦ Bài viết trước: Tứ diệu đế là gì? 04 sự thật màu nhiệm dành cho người học Phật

Đạo Phật vẫn thường nói rằng “đời là bể khổ” mà đã có nhiều ý kiến phiến diện cho rằng Đạo Phật bi quan, yếu thế. Nhưng nếu dùng trí tuệ mà xét thì ta có thể nói sự nhận biết về đau khổ trong đời là một triết lý chứa đựng giá trị nhân văn cao đẹp.

Giống như người bệnh, muốn chữa khỏi bệnh thì trước tiên ta cũng phải nhận biết rất rõ về bệnh. Cũng vậy, để thoát khỏi đau khổ thế gian thì trước tiên ta phải nhận biết rõ về sự khổ.

Do đó, chân lý đầu tiên mà đức Phật buộc người đệ tử của mình phải nhìn cho thấu đó là Sự Khổ.

Vậy, Khổ đế là gì? tại sao việc nhận biết về sự khổ lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc tu hành trong đạo Phật? Hãy cùng PhatTuTaiGia.com tìm hiểu ngay sau đây nhé!

Giáo Trình Thiền Học

Hướng dẫn Thiền định (căn bản) dành cho người mới


Xem ngay!

Nội dung chính
  • Khổ đế là gì?
  • Ý nghĩa của việc nhận biết về sự khổ
  • Lời kết
  • Khổ đế là gì?

    Theo định nghĩa của Đức Phật thì Khổ đế chỉ đơn giản là sự thật (hay chân lý) về khổ. Và với chân lý về sự khổ, Đức Phật đã tạm chia ra thành 08 nỗi khổ bất di bất dịch, thâm căn cố đế của con người. Và 08 nỗi khổ này gồm:

    1. Sinh khổ: Là nỗi khổ đau từ khi còn trong bào thai cho đến khi được sinh ra đời của mỗi con người, nỗi đau này bao gồm cả của người mẹ và người con.

    tu-dieu-de-la-gi (3)
    Sinh khổ (ảnh minh họa)

    + Người mẹ mang thai con thì rất khổ nhọc, nào nôn ói, suy nhược, đau đớn, dơ uế; có người mẹ ốm yếu còn cần phải truyền nước thường xuyên, không vận động hoặc đi lại để tránh ảnh hưởng đến thai nhi làm cho người mẹ luôn cảm thấy buồn bực, mệt mỏi. 

    + Khi còn là bào thai, đứa trẻ đã có tình thức nên đã có sự cử động cảm xúc. Nếu người mẹ ăn thức lạnh vào thì thai nhi cảm thấy như ở trong giá băng; lúc người mẹ ăn thức nóng vào thì thai nhi cảm thấy như bị nung đốt.

    Nếu người mẹ buồn rầu, căng thẳng thì sinh con cũng hay u sầu và không thông minh. Thai nhi phải sống trong chỗ chật hẹp, tối tăm và nhơ nhớp, vừa lọt lòng đã kêu khóc oa oa…

    Xem thêm: Mì Chay Củ Cải Đỏ & Củ Dền Organic Anpaso (100% tự nhiên)

    2. Lão khổ: Là sự khổ khi về già. Con người khi già yếu, các giác quan sẽ đều suy yếu, mắt mờ, tai lãng, lưng mỏi, chân run, ăn không ngon, ngủ không an giấc, trí nhớ thì giảm sút, còn kém minh mẫn, làn da khô nhăn; răng thường đau nhức, rụng rớt dần dần…

    kho-de-la-gi (2)
    Lão khổ (ảnh minh họa)

    Cho dù một người lúc trẻ có khỏe mạnh và đẹp đẽ đến đâu thì khi về già cũng đều trở nên mong manh, yếu đuối và xấu xí, đây là quy luật tất yếu của vũ trụ.

    Người có phước chút thì còn được con cháu trông nom, cung phụng, chăm sóc nhưng vẫn là khổ và cái khổ này còn liên lụy đến cả con cháu. Người thiếu phước thì không có ai trông nom, một thân một mình phải chịu sự hành hạ của thể xác già nua, tinh thần mờ mịt, tệ hơn nữa còn bị con cháu bất hiếu, ngược đãi, đau khổ vô cùng.

    3. Bệnh khổ: Là sự khổ trong cơn đau của bệnh tật. Có thân thì tất có bệnh, mà đã là bệnh thì cho dù là bệnh nhẹ (như đau răng, đau bụng, nhức đầu…) hay bệnh nặng (như đau gan, đau thận, ung thư…) thì bệnh nào cũng là đau khổ. 

    Vướng vào bệnh nan y, tự thân đã đau đớn, lại tốn kém tiền của, hoặc không có tiền chữa trị lại càng khổ hơn, còn liên lụy cả đến những người thân xung quanh mình phải săn sóc, chạy chữa.

    kho-de-la-gi (3)
    Bệnh khổ (ảnh minh họa)

    Bệnh khổ thì có 2 loại là: Thân bệnhTâm bệnh

    + Thân bệnh: Thân bệnh là tất cả những chứng bệnh trên thân mà con người mắc phải. Những chứng bệnh này đều do TỨ ĐẠI: Địa (đất), Phong (gió), Thủy (nước), Hỏa (lửa) không điều hòa mà phát sinh.

    Ví như: Địa Đại không điều hòa, thì thân thể nặng nề; Phong Đại không điều hòa, thì thân thể bị tê cứng; Thủy Đại không điều hòa, thì thân thể bị phù thũng; Hỏa Đại không điều hòa, thì thân thể bị nóng bức.

    + Tâm bệnh: Trong lòng ôm ấp suy nghĩ khổ não, buồn chán, bi ai, tuyệt vọng…  Xưa nay đau đớn về thể xác thì có thể chữa trị bằng thuốc để qua khỏi, nhưng nỗi sầu khổ trong tâm tư thì đáng sợ hơn gấp ngàn lần và dường như chẳng thuốc nào có thể chữa trị được.

    4. Tử khổ: Là sự khổ trong lúc chết. Đã là con người thì từ người giàu sang, sung sướng cho đến những kẻ sống khổ cực, bần hàn thì ai ai rồi cũng đều phải chết.. 

    Và khổ sở hơn, những người bị bệnh nan y, hiểm nghèo lại khát khao sự sống hơn bao giờ hết. Nhưng dù muốn hay không thì chưa có một người nào trên thế gian này có thể thoát khỏi bàn tay của tử thần.

    kho-de-la-gi (4)
    Tử khổ (ảnh minh họa)

    Người sắp lìa bỏ cõi đời, tâm thân bấn loạn với nỗi lo gia đình con cái thiếu người chăm sóc, tham tiếc ruộng vườn của cải, buồn rầu phải biệt ly bà con quyến thuộc, nỗi lo cho thân mình đi vào một thế giới cô đơn, vắng lạnh, tương lai mịt mờ và đen tối, chưa kể phải chịu những quả báo ngục hình nếu mang tội sau khi chết.

    Tử khổ cũng có 2 loại là: Bệnh tửNgoại duyên

    + Bệnh tử: Là chết do bệnh hoặc do hết thọ mạng mà phải chết.

    + Ngoại duyên: Là gặp ác duyên như bị người giết, bị tai nạn đột ngột mà chết, bị nước, lửa thiêu… mà chết.

    Xem thêm: Giải mã bí ẩn “Sau khi chết sẽ đi về đâu” trong đạo Phật.

    5. Ái biệt ly khổ: Là sự khổ do phải lìa xa những người thân yêu. Ái biệt ly khổ có hai loại, gồm:

    + Khổ sinh ly: Là nổi khổ khi sống phải xa nhau (về mặt địa lý), ta thấy rõ điều này nhất trong hoàn cảnh chiến tranh loạn lạc, biết bao gia đình chịu cảnh kẻ Bắc, người Nam; biết bao thanh niên xa gia đình dấn thân nơi chiến trận, người ở nhớ thương, kẻ đi sầu thảm… 

    Cảnh tượng đau xót này khiến có người phải than rằng: “Thà tử biệt chớ ai nỡ sinh ly”.

    + Khổ tử biệt: Là nỗi khổ khi chết phải xa cách (âm dương cách biệt). Nỗi đau mà cái chết đem lại thì quả không gì kể cho xiết. 

    Nhiều người tuổi hãy còn xuân, tử thần cướp đi người bạn đời để phải chịu cảnh góa bụa bơ vơ; có biết bao em bé mồ côi phải nương thân nơi cô nhi viện; rồi lại có gia đình cha mẹ, anh em, con cái đều bị tử nạn… 

    Cảnh Sinh ly – Tử biệt đối với người thân yêu quả thật vô cùng đau khổ.

    6. Oán tắng hội khổ: Là sự khổ khi oan gia phải hội ngộ. 

    Thói thường, con người đau khổ vì phải xa cách người mình yêu thương, nhưng nếu phải gần gũi, làm việc chung với người mình chẳng ưa, chẳng thích thì nỗi ức chế phải kìm nén trong tâm tạo nỗi dằn vặt không kém. 

    tra-nghiep-la-gi (4)
    Oán tắng hội khổ (ảnh minh họa)

    Hoặc trong một gia đình, cha mẹ, anh em, vợ chồng con cái… bất đồng ý kiến, thường có sự tranh cãi, giận ghét, buồn phiền, mưu hại lẫn nhau.

    Thật là: “Thấy mặt kẻ thù giống như kim đâm vào mắt. Ở chung với người nghịch ý thì giống như nếm mật nằm gai”. Đây là nỗi khổ oan gia trái chủ, tức đầu thai vào trong một gia đình để gây khổ đau cho nhau, chứ đâu có gì là hạnh phúc.

    Xem thêm: Trả Nghiệp là gì? 04 cách mà con người phải trả nghiệp quá khứ

    7. Cầu bất đắc khổ: Là sự khổ về việc tha thiết mong cầu nhưng không được như ý, toại nguyện. 

    Trong đời sống, con người có rất nhiều khát vọng, ước mơ, mong cầu… Chẳng hạn, nghèo hèn muốn được giàu sang, xấu xí muốn cho xinh đẹp, thất nghiệp muốn có việc làm, không con muốn cho có con, có con muốn cho nó nên người, thông minh, hiếu thuận. 

    Ngàn muôn ước vọng như thế, nếu cầu mong mà không toại nguyện, thì tạo thành nỗi khổ. Mà phàm là con người thì ham muốn là “vô biên giới”, như cái thùng không đáy, nếu như không được thỏa mãn thì sinh ra oán hận, đau khổ.

    8. Ngũ ấm thạnh khổ: Là sự khổ về THÂN và TÂM. Ngũ ấm ở đây là Năm ấm (hay Năm uẩn) gồm: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. 

    Sắc ấm thuộc về thân, bốn ấm kia thuộc về tâm. 

    Xem thêm: Ngũ uẩn là gì? Cơ chế Tâm lý của Thiền

    Như vậy, ở đây nói THÂN và TÂM này là một khối khổ. Ngũ ấm này hợp lại tạo nên thân và tâm của con người, nếu không điều hòa với nhau và thường hưng thịnh thì sẽ phát sinh khổ não. 

        ⇒ Sắc ấm tạo nên thân con người mà thân con người phải trải qua quá trình sinh, già, bệnh, chết, đương nhiên luôn phải chịu nhiều khổ não.

        ⇒ Thọ ấm tạo nên cảm giác và xúc cảm của con người, nếu phải chịu những những cảm giác tiêu cực, khó chịu (như quá nóng, quá lạnh, buồn, thất vọng, tuyệt vọng…) thì sẽ sinh ra khổ.

        ⇒ Tưởng ấm tạo nên tư tưởng, vọng tưởng. Nếu có quá nhiều vọng tưởng thì tâm sẽ loạn, dẫn đến phiền não, đau khổ.

        ⇒ Hành ấm tạo nên bản năng của con người, nếu con người sống một cách quá bản năng hay chiều theo bản năng thì chẳng khác gì con vật, từ đó cũng sinh ra khổ.

        ⇒ Thức ấm tạo nên cái biết của con người, nếu con người BIẾT những cái không nên biết và KHÔNG BIẾT những điều nên biết cũng sinh ra đau khổ, mê lầm, ngu si…

    Ngũ ấm thạnh khổ này đã bao quát cả bảy loại khổ trước đó: 

    + THÂN thì sinh, già, bệnh, chết, đói, khát, nóng, lạnh, vất vả nhọc nhằn; 

    + TÂM thì buồn, giận, lo, thương, trăm điều phiền lụy.

    Ý nghĩa của việc nhận biết về sự khổ

    Việc nhận biết rõ ràng về các nỗi khổ là bước đầu để tìm ra nguyên nhân dẫn đến đau khổ. Khi đã tìm được ra những nguyên nhân này và biết cách diệt trừ, loại bỏ chúng thì tự nhiên sẽ không còn khổ nữa.

    Đức Phật vì không thể ngồi yên nhìn chúng sinh chịu khổ cho nên ngài đã xuất gia với tâm nguyện là tìm ra phương pháp tu tập chân chính nhất để con người có thể giải thoát được những nỗi khổ về vật chất và tinh thần giữa cuộc đời hiện hữu. 

    tu-dieu-de-la-gi (2)
    Ý nghĩa về sự khổ (ảnh minh họa)

    Khi Đức Phật giác ngộ, thì Khổ đế – chân lý đầu tiên đã bao quát toàn bộ tư tưởng của Tứ Diệu đế. Và vi diệu hơn cả là Ngài đã ngộ ra nguyên nhân dẫn đến mọi khổ đau của chúng sinh là do vô minh mà ra.

    Mục tiêu của người học và tu hành theo đạo Phật là nhìn nhận và diệt trừ tất cả mọi nguyên nhân dẫn đến đau khổ, để dẫn đến một trạng thái hoàn toàn hết đau khổ mà Phật gọi là Niết Bàn – cũng chính là trạng thái hạnh phúc thường hằng của chư Phật.

    Vậy, nguyên nhân của đau khổ gồm những gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài Tập Đế tiếp theo nhé!.

    Tham gia nhóm giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về Phật học và Thiền định

    (được thực hiện bởi phattutaigia.com)


    Thiền Đạo Phật (Zalo)

    Lời kết

    Qua bài này, chúng ta đã biết được khổ đế là gì và hiểu một cách sâu sắc về về 08 nỗi khổ thường hằng của con người, gồm:

    Sinh; lão; bệnh; tử khổ;

    Ái biệt ly khổ;

    Oán tắng hội khổ;

    Cầu bất đắc khổ;

    Ngũ ấm thạnh khổ;

    Từ việc nhận biết được khổ là để tìm ra nguyên nhân dẫn đến khổ. Và cuối cùng là diệt trừ những nguyên nhân này thì sẽ hết khổ.

    Và điều tuyệt vời là Phật đã tìm ra và với tấm lòng từ bi rộng lớn, ngài đã dạy lại tất cả cho chúng ta trong Tứ Diệu Đế.

    Để hiểu sâu sắc nội dung về Khổ đế, mời bạn lắng nghe bài giảng của của TT.TS Thích Chân Quang (Trụ trì chùa Phật Quang) qua video dưới đây:

    (Bấm ▶️ để xem)

    Bạn có thể để lại ý kiến của mình ở phần bình luận phía dưới để mọi người cùng chia sẻ và góp ý giúp đỡ nhau tu tập tiến bộ hơn.

    ♦ Bài viết tiếp: Tập đế là gì? 10 nguyên nhân khiến con người đau khổ trong luân hồi

    4.9/5
    4.7/5

    2 bình luận

    Trả lời

    Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *